20.11 VÙNG CAO QUÊ EM

Thứ hai - 23/11/2020 08:59
20.11 VÙNG CAO QUÊ EM
          Những ngày này, nghĩ về chuyện đời, chuyện nghề, một đồng nghiệp của chúng tôi chợt nhớ đến hình ảnh anh thanh niên làm công tác đo đạc khí tượng trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Một mình, giữa độ cao 2600m so với mực nước biển, xung quanh toàn mây mù lạnh lẽo, ấy vậy mà anh hồn nhiên tâm sự: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn chết mất”. Thì ra, hạnh phúc với anh là đem lại niềm vui cho người khác, vì thế, anh yêu nghề, say nghề. Suy cho cùng, mỗi chúng ta đều gắn bó với một nghề nhất định, bằng tình yêu, bằng duyên nghiệp.
          Mỗi thầy cô đến với nghề bằng những cơ duyên khác nhau. Có thầy cô chia sẻ, họ đến với nghề như một tất yếu để nối dài dòng chảy truyền thống gia đình, là tình yêu với cái tuổi mười tám, đôi mươi đầy nhiệt huyết và tươi trẻ. Đặc biệt, có những người đến với nghề từ sự kính trọng, ngưỡng mộ các thầy, cô giáo của mình – những người đầu tiên gợi mở vốn tri thức nhân loại, giúp họ tự tin tiếp bước trên đường học, đường đời. Cũng chính các thầy cô đã dạy họ biết lắng nghe, chia sẻ, gạn đục khơi trong, biết sàng lọc những gì tốt đẹp nhất để hoàn thiện bản thân, hướng đến cuộc sống có ý nghĩa. Để từ đó, họ yêu nghề, chọn nghề và góp sức làm cho nghề dạy học trở thành nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu, ngày ngày thầy cô thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời, góp phần phát triển con người toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
          Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển vừa mang đến cho người làm nghề giáo nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn. Các thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn ý thức được trách nhiệm của mình, thường tự nhủ phải cố gắng nỗ lực trên mọi mặt công tác để giữ vẹn nguyên hình ảnh người thầy tri thức, tận tụy, không chút đắn đo toan tính vì sự tiến bộ của các thế hệ học trò. Không chỉ dạy tri thức, mà còn phải dạy các em làm người, dạy các em hướng đến những giá trị đích thực của cuộc sống.
          Được lao động, được cống hiến cho sự nghiệp trồng người là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người đứng trên bục giảng. Được đón nhận nhiều tình cảm mến yêu của các lớp học trò, các thầy giáo, cô giáo càng tự tin về sự lựa chọn của mình, càng có thêm nhiều động lực để cống hiến. Và, thật hạnh phúc khi chúng ta được cùng các thầy cô đồng nghiệp, các thế hệ học trò luôn kề vai, sát cánh, sẻ chia, đồng hành trong hành trình vừa vất vả nhưng rất đỗi tự hào, vinh quang này.
Cổ nhân xưa có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Vâng! Có thể nói nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý! Chúng tôi tự hào lắm chứ!
         Thế là tháng 11 đã về, trong tôi có biết bao cảm xúc dâng trào, biết bao mơ ước về một ngày mai tươi sáng. Những người thầy giáo, cô giáo như chúng tôi - những con đò cần mẫn chở khách sang sông mong đến ngày cập bến. Tôi còn rất nhớ những câu thơ của một nhà thơ nào đó có viết:
                  “Chuyện một con đò dãi dầm nắng mưa
                    Lặng lẽ chở bao dòng người xuôi ngược
                    Khách sang sông tiếp hành trình phía trước
                    Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò…?”
       Mỗi ngày trôi qua lại có thêm một niềm vui mới. Những con đò ấy cứ âm thầm lặng lẽ suốt ngày đêm bỏ lại sau lưng bao nỗi nhọc nhằn, bước qua mọi khó khăn phía trước với ý chí kiên cường lái con đò tri thức cập bến được bình an.  Mỗi năm, khi sắp đến ngày 20-11 lòng chúng tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả, những mong nhớ, nuối tiếc về thời đi học đã qua, những kỷ niệm về thầy cô và những người bạn học đã mãi mãi đi xa để giữ lấy bình yên cho Tổ Quốc. Ngày 20-11 là ngày ân tình, thầy cô giáo chúng tôi đón nhận tình cảm của toàn xã hội, tình cảm chân thành của học trò làm chúng tôi thật sự xúc động, thấy ấm lòng hơn khi nhìn những ánh mắt trong sáng, những câu nói, nụ cười thân thương, sự quan tâm lo lắng của các em làm chúng tôi quên đi bao mệt mỏi của bộn bề công việc, những lo toan trong cuộc sống hàng ngày.   
       Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Được coi trọng như vậy bởi người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực, đạo lý và người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.
      Nhà giáo được vinh danh là “Kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học được vinh danh là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Ngày nay, có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác – những người đang mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Những người thầy ấy luôn được coi trọng. Tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên của mỗi người chúng ta.  Ngày nay, chúng ta đang sống, làm việc trong những điều kiện thuận lợi hơn trước, song cũng rất nhiều thách thức đang đặt ra cho các nhà giáo như: vấn đề đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội... Hơn ai hết, với vai trò là người thầy “Thay Đảng rèn người”, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình phải bồi dưỡng tri thức, làm chủ công nghệ, khắc phục những khó khăn bằng sức lực, trí tuệ và lòng yêu nghề. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà giáo phải có bản lĩnh, vừa giữ được phẩm chất tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý vừa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn, về nghiệp vụ sư phạm sao cho phù hợp.
      Mỗi ngày đi qua, trên gương mặt của mỗi thầy cô, hằn sâu bao nhọc nhằn, bao vất vả của đời thường, nhưng chỉ có ánh mắt vẫn sáng lên một niềm tin, một tình yêu đối với nghề vô bờ bến. Chúng tôi là những cán bộ, giáo viên của trường Trung học cơ sở Trần Phú, xin hứa sẽ tiếp tục thắp sáng niềm tin ấy, thắp sáng lý tưởng cao quý mà các thế hệ thầy cô đã giữ gìn; sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, nỗ lực vượt khó, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp sức đào tạo thế hệ trẻ có phẩm chất, có năng lực, có khát vọng để tiếp bước cha anh dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
      Nhân ngày 20/11, xin trân trọng gửi tới quý thầy, cô giáo, những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm nhất! Hướng về quý thầy, cô với tấm lòng tri ân, những học trò hôm qua và những học trò hôm nay đã, đang và sẽ luôn khắc ghi trong lòng đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn; Tôn sư trọng đạo”. Chúng ta yêu nghề giáo và trọn đời thủy chung, son sắt với nghề:
"Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bổng
Mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim ".
Dưới đây là hình ảnh lễ mít tinh ngày 20.11 trường MN Chiềng Sơ

 


 
 
 
 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

HỖ TRỢ KỸ THUẬT
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay593
  • Tháng hiện tại3,610
  • Tổng lượt truy cập193,836
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Chế độ giao diện đang hiển thị: Tự độngMáy Tính